Giới thiệu

Trường Trung học phổ thông (THPT) Hùng Vương hiện nay, ban đầu là Trường THPT Bán công Krông Ana được UBND tỉnh Đắk Lắk thành lập ngày 28/05/2001 theo Quyết định số 1528/2001/QĐ-UB, nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục.
Ngày 25/02/2010 UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 515/QĐ-UB-UBND đổi tên Trường THPT Bán công Krông Ana thành Trường THPT Hùng Vương.


Chặng đường 10 năm đầu tiên Trường THPT Hùng Vương đã trải qua hai thời kì vận động và phát triển.
       1. Thời kì hình thành mang tên Trường THPT Bán công Krông Ana. Đây là thời kì nhà trường đã trải qua 8 năm học vận động để phát triển với các yếu tố khách quan và chủ quan còn nhiều khó khăn.
Học sinh (HS) của nhà trường là con em của các dân tộc sống trên địa bàn huyện Krông Ana. Kinh tế-xã hội của huyện Krông Ana trong nhũng năm này đã được ổn định, có sự tăng trưởng khá, đang từng bước thích ứng dần với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng đời sống của nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác xã hội hóa của nhà trường không thuận lợi.
Trong năm học đầu tiên, năm học 2001-2002, nhà trường có 19 lớp trong đó có 09 lớp cấp THPT, 10 lớp cấp trung học cơ sở (THCS).
Đến năm học 2007-2008 nhà trường không còn HS cấp THCS mà chỉ có 28 lớp cấp THPT với  hơn 1200 HS. Năm học 2008-2009 trường có 26 lớp với hơn 1200 HS.
Đội ngũ cán bộ quản lí (CBQL), giáo viên (GV), nhân viên (NV) trong những năm này còn thiếu về số lượng, chất lượng công tác chưa cao, vẫn còn có GV không đạt chuẩn, chưa có GV dạy giỏi, chỉ có 01 CBQL đạt trình độ của GV trên chuẩn. Trụ sở của nhà trường chưa ổn định. Diện tích đất để tổ chức các hoạt động giáo dục chưa đủ theo qui định. Chất lượng đầu vào quá thấp.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự cố gắng của thầy và trò, được sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi, hết lòng giúp đỡ của Sở Giáo dục và Đào tạo, của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện Krông Ana cùng các cơ quan, ban, ngành hữu quan và cha mẹ HS, nhà trường đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Nhà trường luôn coi trọng công tác giáo dục toàn diện; đặc biệt là công tác giáo dục đạo đức, bồi dưỡng truyền thống cách mạng của dân tộc và của nhà trường, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục hướng nghiệp, phong trào văn nghệ, thể dục, thể thao.
Qua 8 năm học, nhiều CBVC và HS đã được các cấp có thẩm quyền ghi nhận nhiều thành tích. Có HS đoạt giải HS giỏi bộ môn văn hóa cấp tỉnh; nhiều HS đoạt các giải văn nghệ, thể dục, thể thao, an toàn giao thông, tìm hiểu pháp luật,.. do cấp tỉnh và cấp huyện tổ chức. Có 02 CBQL được công nhận Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Có một số CBQL, GV được tặng Bằng khen (HT Võ Trung Dũng, PHT Ngô Văn Huynh, TT Nguyễn Thị Lụa), được tặng Giấy khen (PHT Lê Thị Thanh Vân, TT Cao Hữu Quang, GV Nguyễn Văn Minh, GV Bí thư Đoàn trường Trần Công Hòa,…). Cô giáo Nguyễn Thị Huyền đạt Giải Nhất Giáo án điện tử môn Ngữ văn năm học 2008 – 2009.
Có thể nói, thời kì mở đầu của lịch sử của nhà trường là “một chặng đường với những dấu ấn sâu sắc của gian khổ và thành công”, in đậm tình cảm thầy trò thật là khó quên dù tên gọi một thời của ngôi trường đã trở thành quá khứ.

2. Thời kì phát triển trở thành trường THPT công lập, vinh dự được mang tên “các vua Hùng đã có công dựng nước” là Trường THPT Hùng Vương. Thời kì này mặc dù mới trải qua 2 năm học nhưng đã bước sang giai đoạn phát triển mới của lịch sử nhà trường.
Năm học 2009 – 2010 có 57 CBVC, 1111 HS. Đây là năm học đầu tiên nhà trường có HS giỏi. Cũng là năm học đầu tiên nhà trường tổ chức thi Giáo viên dạy giỏi cấp Trường và và dự thi cấp Tỉnh. Kết quả cuộc thi này đã đem đến cho thầy và trò của nhà trường một niềm vui lớn với 8 GV dạy giỏi cấp cơ sở và cô giáo Hoàng Thị Hảo được công nhận là GV dạy giỏi cấp tỉnh. Cùng với niềm vui đó, nhà trường đã được UBND huyện Krông Ana công nhận đạt danh hiệu Đơn vị Văn hóa năm 2010.
Năm học 2010 – 2011 với chủ đề “Năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục” kết thúc trong sự phấn khởi của 63 CBVC và 1267 HS. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã đi vào chiều sâu và được thể hiện trong nhiều hoạt động. Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã thực sự thấm sâu vào nhà trường. Cuộc vận động “Hai không” đã tiếp tục phát huy đạt những kết quả hơn những năm trước, đóng góp tích cực vào việc đấu tranh chống tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh. Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, được nhà trường, gia đình và xã hội đồng tình ủng hộ nên phong trào đã có sức lan tỏa mạnh mẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt là giáo dục đạo đức và phẩm chất nhân cách cho HS. Chất lượng giáo dục đã có bước tăng trưởng; việc đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá đã được chú trọng; đội ngũ CBVC của nhà trường tăng cả về số lượng và chất lượng. Quy chế “3 công khai”, “ 4 kiểm tra” được triển khai thực hiện. Việc đào tạo con em đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều tiến bộ. Xã hội, gia đình chăm lo đầu tư cho con em và sự phát triển của nhà trường nhiều hơn trước.
Số HS tiên tiến, HS giỏi tăng, cao nhất trong 10 năm học qua đã làm cho HS, cha mẹ HS và tập thể CBVC của nhà trường vô cùng phấn khởi. Tỉ lệ tốt nghiệp THPT cao hơn năm học trước 17,25% đã tăng thêm niềm tin cho cha mẹ HS, tạo động lực học tập cho HS. Đội ngũ CB, GV cũng đã trưởng thành thêm. Được Sở GD&ĐT công nhận 05 sáng kiến kinh nghiệm, trong đó có 02 giải đạt loại khá (Thầy Phi, Cô Huyền), 05 CBVC được công nhận CSTĐ cấp cơ sở, 17 giáo viên của nhà trường được công nhận GV dạy giỏi. Có 03 CBGV được tặng Bằng khen ( Thầy Huynh, Cô Vân, Cô Hảo), nhiều CBVC được tặng Giấy khen. Cô giáo Nguyễn Thị Huyền đạt Giải Nhất Giáo án điện tử môn Ngữ văn cấp tỉnh năm học 2010 – 2011. Có 02 tổ chuyên môn được công nhận Tập thể Lao động tiên tiến, nhà trường được công nhận đạt loại xuất sắc trong phong trào thi đua “ Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, là Tập thể lao động tiên tiến năm học 2010 – 2011.
Sau 10 năm học vận động và phát triển, Trường THPT Hùng Vương đã trở thành là một tập thể lao động tiên tiến.
Đó là kết quả của sự phấn đấu nỗ lực kiên trì và quyết tâm cao của đội ngũ nhà giáo, CBQL, công chức, viên chức, các em HS đồng thời cũng khẳng định sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, cụ thể, hiệu quả của Sở GDĐT, của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; sự phối hợp và giúp đỡ to lớn của các Sở, Phòng, Ban, ngành, đoàn thể, nhân dân trong huyện và trong tỉnh đối với sự phát triển của nhà trường.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng: Việc thực hiện sứ mệnh của nhà trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; điều kiện đảm bảo cho sự phát triển GDĐT theo yêu cầu đổi mới còn những bất cập; chất lượng giáo dục còn hạn chế; hiệu quả giáo dục phần nào chưa đáp ứng yêu cầu và mong muốn của xã hội và nhân dân, đặc biệt là tỉ lệ HS yếu, kém còn nhiều, tỉ lệ HS tốt nghiệp chưa cao.
Hiện nay, nhà trường là một trong 52 trường THPT của tỉnh Đắk Lắk, và là một trong 03 trường THPT trên địa bàn huyện Krông Ana, đóng vai trò nòng cốt trong việc giúp HS cư trú trong huyện Krông Ana củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục trung học cơ sở, hoàn thiện học vấn phổ thông và có những hiểu biết thông thường về kỹ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động.
Bước vào năm học mới 2011-2012, năm học có ý nghĩa rất quan trọng, là năm học đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XV, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Krông Ana lần thứ VIII, nhà trường cần thực hiện tốt các cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “ Hai không”, “ Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; đồng thời thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1.Tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục; triển khai sáng tạo, có hiệu quả các cuộc vận động và phong trào thi đua của Ngành.
2. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục; tổ chức thực hiện tốt chương trình và kế hoạch giáo dục; đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; có các giải pháp hiệu quả để giảm tỷ lệ HS yếu, kém và HS bỏ học, tăng tỷ lệ HS khá, giỏi.
3. Chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; chú trọng công tác bồi dưỡng thường xuyên cho GV thông qua các hoạt động tập huấn, sinh hoạt chuyên môn, thanh tra GV; chăm lo tốt hơn đối với HS dân tộc thiểu số và diện chính sách.
4. Tiếp tục đổi mới công tác tài chính giáo dục; tham mưu với huyện và tỉnh tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục cho nhà trường, nhất là xây dựng các phòng bộ môn, thư viện, nhà đa chức năng, xây dựng môi trường “ Xanh-Sạch-Đẹp-An toàn”.
Để thực hiện tốt sứ mệnh của mình, cùng với sự góp sức của toàn xã hội, nhà trường sẽ tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ GV, CBQL giáo dục; đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học; đẩy mạnh thi đua “dạy tốt, học tốt”; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục truyền thống lịch sử, đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm xã hội, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội; huy động các nguồn lực tăng cường đầu tư phát triển nhà trường; thực hiện tốt chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với HS giỏi, nghèo, khuyết tật, con em gia đình có công với cách mạng, dân tộc thiểu số.

HIỆU TRƯỞNG